VietDucInfo chia sẻ:

VDI – Từ đầu tháng 5 đến nay bệnh sốt xuất huyết (SXH) ở trẻ em đang tăng nhanh. Theo dự báo năm nay số ca mắc SXH sẽ tăng mạnh do ĐBSCL đang vào mùa mưa nhiều.

Báo động bệnh sốt xuất huyết tăng nhanh ở miền Tây - Ảnh 1.

Bác sĩ thăm khám bệnh nhi mắc SXH tại Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ – Ảnh: THÁI LŨY

Bác sĩ Nguyễn Huỳnh Nhật Trường – phó trưởng khoa sốt xuất huyết (SXH), Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ – cho biết. 

Theo thống kê tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, tính từ đầu năm đến nay tại đây có trên 220 trường hợp trẻ em nhập viện do bệnh SXH, chưa kể số lượng trẻ đến khám ngoại trú do nghi ngờ mắc bệnh cũng khá đông. Đặc biệt nguy hiểm hơn, có đến 33 trường hợp SXH nặng, chiếm tỉ lệ khá cao so với cùng kỳ năm ngoái.

Thống kê cho thấy, ngoài TP Cần Thơ, bệnh viện còn tiếp nhận nhiều trẻ em mắc SXH được chuyển đến từ các tỉnh lân cận như Hậu Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Đồng Tháp… Trong đó, ghi nhận một số trường hợp trẻ mắc SXH thể nặng, tái sốc nhiều lần kèm suy đa cơ quan… Việc điều trị các trường hợp này khá phức tạp, có nguy cơ tử vong rất cao.

Thông tin từ sở y tế các địa phương khu vực ĐBSCL cũng cho hay, số ca mắc SXH đang tăng nhanh, cụ thể các tỉnh có số ca mắc tăng gồm: Vĩnh Long, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang… Vì vậy, mùa mưa đến thường là lúc muỗi phát triển sinh sôi nảy nở, cũng thường là mùa chúng ta dễ mắc SXH, nhất là trẻ em. Việc cảnh giác đề phòng bệnh SXH trong mùa mưa là quan trọng nhất. Lưu ý các biểu hiện sớm của bệnh để điều trị và đưa đến bệnh viện kịp thời, tránh nguy cơ chuyển nặng.

Theo bác sĩ Nguyễn Huỳnh Nhật Trường, dịch SXH thường xảy ra theo mùa, thường bắt đầu từ tháng 4 và kéo dài đến cuối năm, cao điểm là vào các tháng 7, 8, 9, 10. Do bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vắc xin phòng bệnh nên tốt nhất nên chủ động phòng tránh và hạn chế bệnh chuyển nặng.

Biểu hiện bệnh SXH thường gặp: sốt cao đột ngột 39 – 40 độ C, liên tục kéo dài từ 2-7 ngày (khó hạ sốt), đau đầu, đau bụng, nôn ói sau đó nổi ban và có dấu hiệu xuất huyết, chấm xuất huyết ngoài da. Nặng hơn sẽ chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam, tiểu ít, nôn ra máu, đi ngoài phân đen…

Cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay để được chẩn đoán và điều trị sớm, tránh diễn biến sốc nặng.

Đặc biệt, nên nhập viện sớm ở một số trẻ có cơ địa đặc biệt, như trẻ nhũ nhi, béo phì, trẻ mắc bệnh mãn tính (tim mạch, thận, suyễn…) hoặc các trường hợp trẻ ở quá xa bệnh viện, không có điều kiện tái khám.

Ngoài việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời, vấn đề phòng bệnh SXH đang được các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền trong cộng đồng. Cụ thể ngành y tế Cần Thơ đã tổ chức tập huấn công tác phát hiện sớm bệnh SXH cho cán bộ y tế cơ sở, phát động chiến dịch diệt lăng quăng, diệt muỗi tại các khu vực dân cư…

Tác giả VDI tổng hợp và tham khảo

Nguồn: https://tuoitre.vn/bao-dong-benh-sot-xuat-huyet-tang-nhanh-o-mien-tay-20220509085937427.htm

Đánh giá 5*

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here