Các nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp
Các nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp

Tăng huyết áp là bệnh lý nguy hiểm được xem như kẻ “giết người thầm lặng” sau ung thư và bệnh tim mạch. Vậy các loại thuốc nào điều trị tăng huyết áp? Mời bạn đọc tìm hiểu thông tin qua bài viết dưới đây.

Tăng huyết áp là bệnh gì?

Tăng huyết áp (hay cao huyết áp) là một bệnh lý mãn tính khi áp lực của máu tác động lên thành động mạch tăng cao. Huyết áp tăng cao gây ra nhiều áp lực cho tim (tăng gánh nặng cho tim) và là căn nguyên của nhiều biến chứng tim mạch nghiêm trọng như: Tai biến mạch máu não, suy tim, bệnh tim mạch vành, nhồi máu cơ tim,…

Một số loại cao huyết áp chủ yếu, bao gồm:

  • Cao huyết áp vô căn (hay nguyên phát, bệnh tăng huyết áp): không có nguyên nhân cụ thể, chiếm đến 90% các trường hợp;
  • Tăng huyết áp thứ phát(Tăng huyết áp là triệu chứng của một số bệnh khác): Liên quan đến một số bệnh trên thận, động mạch, bệnh van tim và một số bệnh nội tiết;
  • Cao tăng huyết áp tâm thu đơn độc: Khi chỉ có huyết áp tâm thu tăng trong khi huyết áp tâm trương bình thường;
  • Tăng huyết áp khi mang thai, bao gồm tăng huyết áp thai kỳ và tiền sản giật: Cảnh báo một số nguy cơ tim mạch trong giai đoạn mang thai.

Khi mắc bệnh cao huyết áp, áp suất máu lưu thông trong các động mạch tăng cao, gây nhiều sức ép hơn đến các mô và khiến các mạch máu bị tổn hại dần theo thời gian.

Triệu chứng của bệnh tăng huyết áp

  • Hầu hết các triệu chứng của huyết áp cao đều khá mờ nhạt, người bệnh có thể biểu hiện một số triệu chứng thoáng qua như đau đầu, khó thở, hoặc hiếm hơn là chảy máu cam,…
  • Những triệu chứng của bệnh đều không rõ ràng và hầu hết xảy ra cho đến khi bệnh đã tiến triển đến giai đoạn rất nghiêm trọng. Lúc này, các biến chứng của bệnh tim mạch có thể đột ngột xuất hiện gây ra những biến chứng nghiêm trọng cho sức khoẻ người bệnh.

Nguyên nhân huyết áp cao là gì?

Có hai loại tăng huyết áp với các nguyên nhân khác nhau:

  • Cao huyết áp vô căn: không có nguyên nhân cụ thể. Trong trường hợp này, tăng huyết áp thường là do di truyền và xuất hiện ở nam giới nhiều hơn nữ giới.
  • Cao huyết áp thứ cấp: là hệ quả của một số bệnh như bệnh thận, bệnh tuyến giáp, u tuyến thượng thận hay sử dụng thuốc tránh thai, thuốc chữa cảm, cocaine hoặc uống rượu quá mức.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh huyết áp cao?

Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh này, chẳng hạn như:

  • Tuổi tác. Càng lớn tuổi thì nguy cơ mắc bệnh càng cao.
  • Chủng tộc. Huyết áp cao đặc biệt phổ biến hơn ở người da đen, bệnh thường phát triển ở độ tuổi sớm hơn so với người da trắng.
  • Lịch sử gia đình. Huyết áp cao có xu hướng di truyền trong gia đình.
  • Thừa cân hoặc béo phì. Cần lưu lượng máu tăng để cung cấp oxy và chất dinh dưỡng đến các mô ở người thừa cân có thể làm tăng áp suất máu lên thành động mạch, tương tự những người không hoạt động, người có nhịp tim cao hơn.
  • Chế độ ăn uống không đầy đủ. Quá nhiều muối, thuốc lá, rượu hoặc quá ít kali, vitamin D là lý do dẫn các bệnh khác và ảnh hưởng đến huyết áp.
  • Các nguyên nhân khác. Stress hay bệnh mạn tính nào đó như bệnh thận, bệnh tiểu đường, ngưng thở khi ngủ cũng làm tăng nguy cơ huyết áp cao.

Những biến chứng nguy hiểm khi bị tăng huyết áp

Huyết áp cao có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được kiểm soát tốt. Những biến chứng này ảnh hưởng nặng đến người bệnh, thậm chí có thể gây tàn phế hoặc tử vong.

Những biến chứng của cao huyết áp:

  • Suy tim: Tim phải làm việc quá sức để bơm máu đi nuôi cơ thể, lâu ngày khiến tim bị to ra và yếu đi.
  • Suy thận: Các mạch máu trong thận bị hẹp lại gây suy thận.
  • Đột quỵ, nhồi máu cơ tim: Nguy cơ xơ vữa động mạch ở người bị tăng huyết áp rất cao. Thành mạch bị xơ cứng có thể dẫn đến đột quỵ, đau tim, nhồi máu cơ tim.
  • Phình động mạch: Huyết áp cao có thể gây phình động mạch, dẫn đến chảy máu nội bộ, đe dọa tính mạng.
  • Biến chứng não: Xuất huyết não, nhồi máu não, mất trí nhớ do động mạch bị thu hẹp.
  • Hội chứng chuyển hóa: Rối loạn chuyển hóa của cơ thể như tăng nồng độ insulin, tăng vòng eo, giảm HDL-C…
  • Xuất huyết võng mạc: Các mạch máu trong mắt bị vỡ, gây ra nhiều vấn đề về thị lực, nguy hiểm hơn là mù lòa.

Các loại thuốc điều trị tăng huyết áp

Thuốc lợi tiểu

Thuốc lợi tiểu giúp thận đào thải bớt lượng nước dư thừa và muối (natri) ra khỏi cơ thể bạn. Từ đó giúp giảm lưu lượng máu đi qua lòng mạch và làm hạ huyết áp.

Tác dụng phụ của thuốc lợi tiểu, có thể làm giảm nồng độ kali trong cơ thể và gây ra hiện tượng chuột rút ở bắp chân, mệt mỏi. Tác dụng phụ ít gặp hơn thường gặp ở người sử dụng thuốc lợi tiểu dài ngày làm tăng lượng đường trong máu, tăng acid uric máu hay gây mất cân bằng điện giải (giảm nồng độ kali và magiê, do bị thải trừ qua nước tiểu). Vì vậy, nếu như bạn có bệnh lý đi kèm như tiểu đường hoặc gút thì cần thận trọng khi sử dụng thuốc lợi tiểu. Trong quá trình sử dụng thuốc bạn nên ăn nhiều trái cây và rau quả, ví như chuối và nước cam để giúp bổ sung kali.

Các thuốc lợi tiểu bao gồm:

  • Midamor (amiloride)
  • Lozol (indapamide)
  • Diuril (chlorothiazide)
  • BUMEX (bumetanid)
  • Esidrix hoặc Hydrodiuril (hydrochlorothiazide)
  • Hygroton (chlorthalidone)
  • Lasix (furosemide)
  • Aldactone (spironolactone)

Nhóm thuốc chẹn beta

Nhóm thuốc chẹn beta giúp làm giảm nhịp tim và giảm sức co bóp của tim. Do đó tim sẽ bơm ra một lượng máu ít hơn vào động mạch sau mỗi nhịp đập và làm giảm huyết áp.

Hiệu quả hạ huyết áp của nhóm này không cao và có nhiều tác dụng không mong muốn như: gây mất ngủ hoặc mệt mỏi, lạnh đầu chi, trầm cảm, và làm tăng nặng tình trạng co thắt phế quản ở người mắc bệnh viêm tắc phế quản phổi.

Hiện nhóm này chỉ được sử dụng trong những trường hợp tăng huyết áp có chỉ định bắt buộc chẹn beta, đó là tăng huyết áp có kèm theo các bệnh: bệnh động mạch vành, suy tim, loạn nhịp nhanh, tăng nhãn áp hay tăng huyết áp thai kỳ.

Đặc điểm nhận dạng chung của nhóm là đuôi “olol”

  • Sectral (Acebutolol)
  • Zebeta (bisoprolol)
  • Blocadren hoặc Timolide (timolol)
  • Tenormin (atenolol)
  • Kerlone (betaxolol)
  • LOPRESSOR hoặc Toprol XL (metoprolol)
  • Corgard (nadolol)
  • Ziac (bisoprolol và hydrochlorothiazide)
  • Inderal (propranolol)
  • Betapace (sotalol)
  • Cartrol (carteolol)

Điều trị tăng huyết áp với nhóm thuốc ức chế men chuyển (ƯCMC)

Nhóm thuốc này có tác dụng ức chế sản xuất angiotensin II – một loại hormone có tác dụng làm co mạch máu và dẫn đến cao huyết áp. ƯCMC là nhóm thuốc được sử dụng nhiều tại Việt Nam, vì hiệu quả trong việc kiểm soát huyết áp, nhất là khi một số loại thuốc điều trị tăng huyết áp không hiệu quả. Đồng thời, nó còn có tác dụng ngăn ngừa suy tim do bệnh huyết áp.

Nhược điểm lớn nhất ở nhóm này là gây ho khan, giảm cảm giác ngon miệng. Một số tác dụng phụ khác hiếm gặp là nổi mề đay, tổn thương thận. Không dùng cho phụ nữ có thai và dự kiến mang thai trong thời gian sử dụng thuốc.

Nhóm này có chung đuôi “pril”

  • Lotensin (benazepril)
  • Prinivil hoặc Zestril (lisinopril)
  • Capoten (captopril)
  • Monopril (fosinopril)
  • Aceon (perindopril)
  • Accupril (quinapril)
  • Vasotec (enalapril)
  • Altace (ramipril)
  • Mavik (trandolapril)
  • Univasc (moexipril)

Thuốc ức chế thụ thể Angiotensin II (ARB)

Nếu như nhóm ức chế men chuyển tác động ức chế sản xuất angiotensin – hormon làm co mạch, thì nhóm này lại tác động đến angiotensin II bằng cách ức chế tác động co mạch của chúng, từ đó giúp giảm huyết áp. Nhóm này được cho là an toàn vì ít tác dụng phụ, nhưng giá thành khá cao, nên nhiều người bệnh không có điều kiện sử dụng. Các thuốc trong nhóm này đã có ở Việt Nam:

Các loại thuốc gốc có chung đuôi “sartan”

  • Cozaar (losartan)
  • Atacand (candesartan)
  • Avapro (irbesartan)
  • Teveten (eprosartan)
  • Diovan (valsartan)
  • Micardis (telmisartan)

Nhóm chẹn kênh canxi – thuốc điều trị tăng huyết áp phổ biến

Sự vận chuyển dòng ion canxi đi vào và đi ra khỏi tế bào là cần thiết cho tất cả các cơn co thắt của cơ bắp. Nhóm thuốc chẹn kênh canxi sẽ giúp chặn dòng ion canci, không cho chúng đi vào tế bào cơ trơn của các mạch máu, từ đó gây giãn mạch, làm giảm áp lực máu và giúp hạ huyết áp.

Nhóm thuốc này dùng tốt cho người bệnh có kèm đau thắt ngực, hiệu quả đối với người bệnh cao tuổi và không làm ảnh hưởng đến chuyển hóa đường, mỡ trong cơ thể.

Nhóm này bao gồm các thuốc gốc phần lớn có đuôi là “dipin”

  • Adalat hoặc Procardia (nifedipine)
  • Vascor (bepridil)
  • Calan, Isoptin, Verelan hoặc (verapamil)
  • Cardizem hoặc Tiazac (diltiazem)
  • Norvasc hoặc Lotrel (amlodipine)
  • Nimotop (nimodipine)
  • Plendil (felodipin)
  • Sular (nisoldipine)

Tác dụng phụ có thể gặp ở một số thuốc như: phù chi, chóng mặt, táo bón, hoặc chóng mặt.

Nhóm thuốc chẹn alpha

Khi bạn căng thẳng, cơ thể sẽ sản xuất một loại hormone có tên gọi là catecholamin. Chúng sẽ gắn kết với các thụ thể alpha adrenergic ở trên mạch máu và làm co mạch, từ đó gây tăng huyết áp.

Nhóm thuốc chẹn alpha sẽ giúp ngăn các catecholamin liên kết với các thụ thể alpha và làm giảm huyết áp. Chúng gồm có:

  • Cardura (Doxazosin mesylate)
  • Minipress (prazosin hydrochloride)
  • Hytrin (Terazosin hydrochloride)

Tác dụng bất lợi có thể gặp: nhịp tim nhanh, chóng mặt, hạ huyết áp tư thế. Để hạn chế tác dụng phụ, cần ngồi hay nằm nghỉ ít phút.

Thuốc ức chế thụ thể alpha-2, sử dụng được cho phụ nữ có thai

Tương tự như các thuốc chẹn alpha khác, nhóm thuốc ức chế thụ thể alpha-2 cũng làm giảm hoạt động của hệ thần kinh giao cảm và làm giảm huyết áp. Sự khác biệt là chúng chỉ nhắm mục tiêu vào một loại thụ thể alpha. Nhóm thuốc này là lựa chọn đầu tay cho điều trị tăng huyết áp trong quá trình mang thai, bởi chúng có ít rủi ro cho người mẹ và thai nhi. Thuốc điển hình là Aldomet (methyldopa).

Thuốc chẹn alpha-beta

Nhóm thuốc này tạo ra hiệu ứng kết hợp giữa thuốc chẹn alpha và thuốc chẹn beta, vừa giúp giảm co thắt mạch máu, vừa giúp giảm nhịp tim và giảm sức có bóp của tim, từ đó làm giảm huyết áp. Chúng gồm có:

  • Coreg (carvedilol)
  • Normodyne, Trandate (labetolol hydrochloride).

Nhóm thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương

Các loại thuốc này giúp ngăn chặn não gửi tín hiệu sản xuất catecholamin, từ đó hạn chế co mạch máu, giảm áp lực máu và làm giảm huyết áp. Nhóm thuốc này bao gồm:

  • Catapres (clonidine hydrochloride)
  • Wytensin (guanabenz Acetate)
  • Clorpres hoặc Combipres (clonidine hydrochloride và chlorthalidone)
  • Tenex (guanfacine hydrochloride)

Sử dụng thuốc này có thể gặp khô miệng, táo bón, tụt huyết áp tư thế đứng, rối loạn cương ở nam giới.

Ức chế adrenergic ngoại vi

Có tác dụng làm cạn kiệt dự trữ catecholamin và serotonin ở đầu tận cùng dây thần kinh giao cảm ngoại biên, cũng như ở não, tim và nhiều cơ quan khác, từ đó làm giãn mạch, tim đập chậm và giảm huyết áp. Nhóm thuốc này có nhiều tác dụng phụ nên hiện nay ít dùng, thường chỉ được dùng khi các thuốc khác không có hiệu quả. Chúng gồm có:

  • Hylorel (guanadrel)
  • Ismelin (guanethidine monosulfate)
  • Serpasil (reserpin)

Thuốc giãn mạch trực tiếp

Trực tiếp tác động làm giãn các mạch máu, đặc biệt là tiểu động mạch (động mạch nhỏ). Điều này cho phép máu lưu thông một cách dễ dàng hơn và kết quả là làm giảm huyết áp. Nhóm này có tác dụng hạ áp mạnh nhưng lại có nhiều tác dụng không mong muốn, nên hiện nay ít dùng, chỉ dùng khi tăng huyết áp đề kháng các loại khác. Gồm có:

  • Apresoline (hydralazine hydrochloride)
  • Loniten (minoxidil)

Xem thêm tại NhathuocLP: https://nhathuoclp.com/san-pham/thuoc-metoprolol-50mg/

Đánh giá 5*

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here