Dinh dưỡng cho người ung thư: Ăn lành, ngủ đủ, tập đều, sống vui - Ảnh 1.

VietDucInfo chia sẻ:

VDI – Nên ăn gì trong và sau điều trị ung thư? Giáo sư Nguyễn Chấn Hùng nói về chế độ dinh dưỡng cho người ung thư: ‘Ăn lành, ngủ đủ, tập đều, sống vui’.

Dinh dưỡng cho người ung thư: Ăn lành, ngủ đủ, tập đều, sống vui - Ảnh 1.

Bệnh nhân ung thư điều trị tại Bệnh viện Ung bướu (TP.HCM) – Ảnh: DUYÊN PHAN

Bệnh ung thư được xếp vào nhóm bệnh không lây. Tuy nhiên, một điều đáng lưu ý đối với người bị ung thư gan là phải yêu cầu người thân đi xét nghiệm viêm gan siêu vi hoặc virus HPV gây ung thư cổ tử cung đều có khả năng lây.

GS NGUYỄN CHẤN HÙNG

Ung thư đang thực sự trở thành nỗi ám ảnh với nhiều người. Người bị ung thư đang cùng lúc phải chịu đựng nhiều gánh nặng về thể xác và tinh thần nhưng không phải ai cũng có đủ hiểu biết để vượt qua…

Trò chuyện với Tuổi Trẻ, GS NGUYỄN CHẤN HÙNG – chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam – nói: “Nhìn vào bức tranh ung thư nhiều người thấy đen tối lắm. Nhưng với tôi thì khác, tôi thấy mỗi lúc bức tranh này lại sáng sủa lên, cơ hội phát hiện, điều trị dứt điểm ung thư của người bệnh ngày một khả quan hơn bao giờ hết”. 

Ngày nay đang khác với ngày xưa, bây giờ chúng ta có nhiều phương tiện chẩn đoán hay và đặc biệt “bác sĩ ngày nay có mắt thần/nhìn sâu nhìn suốt thấy ung thư”.

Ung thư có di truyền?

* Thưa GS, ung thư đang là gánh nặng của người bệnh, gia đình và xã hội. Nhiều người quan tâm là liệu ung thư có di truyền không?

– Theo số liệu nghiên cứu chung trên toàn thế giới, có từ 5-10% số người bị ung thư thì có thể là di truyền và chỉ gặp ở một số loại ung thư nhất định. Ví dụ như ung thư vú, nếu trong gia đình có mẹ, chị… bị thì nguy cơ em ruột có thể bị tăng lên, nguyên nhân do gen bị đột biến truyền từ mẹ sang con. Tuy nhiên không phải ai bị ung thư vú cũng xuất phát từ yếu tố di truyền.

Ngoài ra có thể kể đến một số loại ung thư khác (tỉ lệ rất nhỏ) như ung thư ruột già, ung thư mắt… Và khi biết được điều này những người trong gia đình có kế hoạch chủ động tầm soát, phát hiện sớm để trị lành.

* Và nhiều người thường có tâm lý “ung thư là dấu chấm hết” như kiểu “trời kêu ai nấy dạ”…

– Quan niệm này hoàn toàn sai lầm. Tôi phải khẳng định ung thư ngừa được và các nghiên cứu cho thấy có khoảng 40% ung thư lẽ ra ngừa được nhưng người bệnh không chịu ngừa. Biết rõ hút thuốc lá nguy cơ gây ung thư phổi; viêm gan gây ung thư gan; virus HPV gây ung thư cổ tử cung nhưng nhiều người cứ ơ hờ, đến khi dính bệnh lại đổ là “trời kêu”.

Nên ăn gì trong và sau điều trị ung thư?

* Phần lớn người bệnh ung thư đều vô cùng băn khoăn nên ăn gì trong và sau điều trị ung thư…

– Ung thư rất ghê gớm, do đó quá trình điều trị phải sử dụng các phương pháp rất mạnh mới hi vọng trị được. Người bệnh khi cho thuốc hóa trị vào (tùy vào loại) nhưng tác dụng phụ là “hành người” dữ lắm, rồi xạ trị có thể làm cháy nám cả một vùng da, thậm chí ói mửa nếu xạ trong bao tử.

Như thế người bệnh phải làm gì để đủ sức vượt qua? Điều quan trọng nhất chính là cần duy trì cho cơ thể đủ khỏe. Và muốn đạt được điều này thì cần phải ăn đủ các chất tinh bột, rau xanh, chất béo, thịt cá… Đừng ăn quá nhiều và nhịn ăn một cách… quá đáng. Nếu ăn uống khó khăn có thể chia nhỏ làm nhiều bữa và đa dạng các món ăn hằng ngày.

Cuối cùng là sau điều trị, tôi dặn người bệnh cần phải “ăn lành, ngủ đủ, tập đều, sống vui” để bệnh khỏi tái phát. Đừng tối ngày suy nghĩ mình bị ung thư rồi buồn bã quá, mà phải vui sống với gia đình, con cháu, công việc… có ích lắm chứ không phải đùa đâu.

* Biết vậy nhưng một thực tế là có nhiều người kiêng khem quá đáng, dẫn đến tình trạng suy nhược và không đủ sức chống chọi với bệnh, thưa GS?

– Đúng thế. Tôi nghe nhiều người nói sợ ăn vào nuôi tế bào ung thư hoặc bị tế bào ung thư…giành. Tôi chỉ khuyên người bệnh cần phải xác định một điều rằng: Mình chuẩn bị sức khỏe thật tốt để “bứng” ung thư ra khỏi cơ thể luôn mà, và muốn làm được điều này thì cơ thể phải đủ sức chịu đựng trong suốt quá trình điều trị. Còn kiêng khem quá mức người bệnh có thể sẽ chết trước khi tế bào ung thư chết.

* GS có lời khuyên nào để cho người bệnh hiểu và an tâm điều trị đúng?

– Một thực tế là giữa thịt và cá thì cá dễ tiêu hơn. Thịt đỏ rất bổ dưỡng, tôi chỉ khuyên bà con nên hạn chế không ăn quá nhiều mà thôi. Nhiều người đổ xô ăn gạo lứt muối mè. Tôi thấy với người bị bệnh đái tháo đường, béo phì quá đáng thì ăn gạo lứt muối mè được xem là giải pháp kiêng hiệu quả. 

Nhưng ăn để điều trị ung thư thì không thể được, bởi năng lượng cung cấp cho cơ thể không đủ và thực tế không có loại thuốc nào có thể giết tế bào ung thư.

Chưa hết, nhiều người còn kháo nhau sừng tê giác trị được vô số bệnh, trong đó có ung thư. Tôi khuyên bà con đây là quan niệm hết sức nguy hiểm bởi sừng tê giác không trị được ung thư. “Cả tin uổng mạng lấy ai mà đền”?! 

Tôi thấy một điều thật kỳ diệu là tạo hóa tạo ra cho con người những hằng số sinh học để ổn định, duy trì sự sống. Do đó, người bệnh cần phải giữ cho được sự hài hòa, không nên “thách đố các nguyên lý của cơ thể”.

Sáng tác thơ dạy trị ung thư

Đau đáu trước nỗi lo lắng của người bệnh về căn bệnh ung thư, GS Nguyễn Chấn Hùng dường như đã “dốc hết ruột gan” sáng tác ra những vần thơ phòng, trị ung thư một cách dân dã dễ hiểu, dễ nhớ nhất.

Theo GS Nguyễn Chấn Hùng, ý tưởng xuất phát từ bài thơ “tập thở”, vốn để đời của cố BS Nguyễn Khắc Viện – người trước đó từng bị bệnh phổi phải cắt hết nửa lá phổi và một số xương sườn. Nhưng nhờ phương pháp tập thở mà BS Khắc Viện duy trì sự sống đến 84 tuổi. Các vần thơ của GS Nguyễn Chấn Hùng đi vào những tình huống, vấn đề “nóng bỏng” nhất của ung thư như tình trạng hút thuốc lá thụ động: “Bạn ơi hút thuốc hại mình/Vợ con hút ké, cả nhà bệnh luôn”.

Phương pháp xét nghiệm máu phát hiện sớm 5 bệnh ung thưPhương pháp xét nghiệm máu phát hiện sớm 5 bệnh ung thư

Các nhà nghiên cứu vừa phát triển thành công một phương pháp xét nghiệm máu mới có khả năng phát hiện 5 loại ung thư sớm hơn vài năm so với các phương pháp hiện giờ.

Tác giả VDI tổng hợp và tham khảo

Đánh giá 5*

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here