VietDucInfo chia sẻ:
VDI – Người Việt vẫn thường hay nhầm lẫn giữa đột quỵ và đột tử khi có người thân, bạn bè ra đi đột ngột. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây là hai dạng tai biến hoàn toàn khác nhau.
PGS.TS Nguyễn Huy Thắng – Ảnh: B.S.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, PGS.TS Nguyễn Huy Thắng – chủ tịch Hội đột quỵ TP.HCM, kiêm trưởng khoa bệnh lý mạch máu não (Bệnh viện Nhân dân 115) – cho biết đột quỵ não (stroke) còn gọi là tai biến mạch máu não.
Đột quỵ não có 2 hình thức phổ biến, gồm nhồi máu não và xuất huyết não. Đột quỵ não thường có biểu hiện là đột ngột liệt 1/2 người, méo miệng, nói đớ, có thể kèm hôn mê, nhưng thường xảy ra sau vài giờ.
Trong đột quỵ não, tim vẫn có thể hoạt động bình thường. Do đó, người bệnh không tử vong liền, mà có thể kéo dài 1 vài giờ hoặc một vài ngày, tùy thuộc vào nguyên nhân mức độ bệnh.
Nguyên nhân của đột quỵ thường liên quan đến các bệnh lý liên quan đến tuổi tác như cao huyết áp, đái tháo đường, xơ vữa mạch máu, rối loạn chuyển hóa lipid… Qua một thời gian mắc bệnh, nếu không được kiểm soát tốt, người bệnh có nguy cơ bị đột quỵ.
Chăm sóc bệnh nhân bị đột quỵ tại Bệnh viện Nhân dân 115 – Ảnh: HOÀNG LỘC
Trong khi đó, đột tử (sudden cardiac death) lại là biến cố tim ngừng đập đột ngột. Một người đang bình thường đột nhiên gục xuống, và hầu hết tử vong nhanh chóng, trừ khi được cấp cứu đưa vào bệnh viện kịp thời.
Theo bác sĩ Thắng, có thể hình dung trái tim là “động cơ” chính của cơ thể, có vai trò bơm máu, đem chất dinh dưỡng đến nuôi dưỡng mọi cơ quan. “Động cơ” này sẽ ngừng hoạt động khi xảy ra hai trường hợp: bị “nghẹt xăng” hoặc bị “cúp điện”.
Cụ thể “nghẹt xăng” là khi ống dẫn (chính là động mạch vành nuôi tim) bị tắc nghẽn, dòng máu không đến nuôi dưỡng tế bào tim được. Đây là bệnh hẹp mạch vành.
Ngoài ra, tim đập được là nhờ có một “máy phát điện” nhỏ phát ra dòng điện liên tục đều đặn và lan truyền đi khắp trái tim nhờ hệ thống “dây điện”. Khi bộ “máy phát điện” này bị suy yếu, hoặc hệ thống “dây điện” bị chập, tim sẽ bị “cúp điện”, ngừng hoạt động. Đây là bệnh loạn nhịp tim.
“Đột tử tim xảy ra do nguyên nhân bệnh mạch vành, hoặc do bệnh loạn nhịp”, bác sĩ Thắng chia sẻ.
Nhận diện nguy cơ ra sao?
Vậy làm sao để biết có nguy cơ bị đột quỵ hay đột tử tim? Bác sĩ Thắng cho rằng với hệ thống mạch máu não hay trái tim khỏe mạnh, hiếm khi xảy ra sự cố. Đột quỵ hay đột tử tim hầu như chỉ xảy ra trên một hệ thống mạch máu xơ vữa, do các bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, hút thuốc lá… hoặc trên trái tim “đã bị bệnh” nhưng không được phát hiện.
Một số dấu hiệu chỉ điểm gợi ý một người có khả năng bị bệnh tim mạch và có nguy cơ đột tử là trong gia đình có người đột tử, mất đột ngột khi còn trẻ mà không chẩn đoán được nguyên nhân; có người thân trong gia đình mắc các bệnh tim mạch di truyền như loạn nhịp tim, bệnh cơ tim phì đại.
Ngoài ra còn xuất phát từ thói quen hút thuốc lá, béo phì, đời sống căng thẳng, ít vận động thể dục thể thao; bị tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu mà không điều trị tốt, không kiểm soát tốt các chỉ số bệnh lý.
Tác giả VDI tổng hợp và tham khảo
Nhóm đội ngũ VietDucInfo biên soạn gồm nhiều biên tập, nhà báo có kinh nghiệm nhiều năm trong ngành.
Nội dung được kiểm duyệt bởi tác giả và nhóm hỗ trợ của VietDucInfo