VietDucInfo chia sẻ:
VDI – Trẻ cần giải trí với ánh sáng tự nhiên ngoài trời tối thiểu 2 giờ/ngày. Cha mẹ lưu ý, khi con học trực tuyến, tranh thủ chia nhỏ thời gian trong ngày cho con ra ngoài nhà tiếp xúc ánh sáng tự nhiên.
Trẻ học trực tuyến cần được ngồi đúng tư thế, được tiếp xúc ánh sáng trời trong ngày – Ảnh: Q.ĐỊNH
PGS Trần Hải Yến, Viện Nghiên cứu và đào tạo thị giác Hải Yến, cho rằng thời lượng tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên chứ không phải thời lượng làm việc trên máy vi tính quyết định nguy cơ cận thị ở trẻ.
Trẻ cần giải trí với ánh sáng tự nhiên
Chị N.B. (40 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) có cô con gái đang học lớp 11. Con chị cứ 7h sáng là vào học, đến 11h mới xong. Chiều lại bắt đầu từ 13h30 đến 16 – 17h. Ngoài học trực tuyến chính khóa trên lớp, con chị còn đăng ký học thêm một tuần hai buổi trực tuyến để luyện thi IELTS và học thêm môn toán.
Có những ngày con ngồi cả sáng, chiều, tối để học trên máy vi tính, chị B. rất “xót” con nhưng chưa nghĩ ra được cách nào để cải thiện tình hình. Chị cũng lo cứ học suốt trên máy vi tính như vậy thì con gái chị sẽ bị tăng độ cận, mỏi mắt…
Là một bác sĩ đang làm việc tại một bệnh viện trong TP.HCM, anh N.H.M.K., 42 tuổi, ngụ ở Q.7 (TP.HCM), cũng phát hoảng vì thấy con trai phải học trực tuyến suốt với tư thế ngồi học không đúng.
Anh K. kể con anh đang học lớp 5 tại một trường tốp đầu của TP, gần như con phải học suốt cả buổi sáng và buổi chiều. Do con học lớp 5, cuối cấp, nên vợ anh cũng lo lắng đăng ký cho con học trực tuyến một số lớp học thêm như tiếng Anh, toán…
Thời gian đầu năm học của con, anh bận đi công tác tại bệnh viện dã chiến nên không rõ con học trực tuyến như thế nào. Khi bệnh viện dã chiến giải thể, anh về nhà cách ly tại nhà để chuẩn bị trở về bệnh viện trước đây làm việc, anh mới có dịp quan sát con học trực tuyến. Anh không khỏi lo lắng khi con học trực tuyến gần như cả ngày trên máy vi tính. Giờ ra chơi, con không đứng dậy giải lao mà tiếp tục ngồi với màn hình để chat, chia sẻ các trò chơi game… Trong lúc học con ngồi ngả nghiêng, lúc gác chân, lúc còng lưng…
Anh K. lo lắng nếu học lâu dài như thế này thì con anh sẽ bị ảnh hưởng đến mắt, cột sống.
Theo PGS Trần Hải Yến, một trong những yếu tố làm gia tăng nguy cơ cận thị là không tiếp xúc đủ với ánh sáng tự nhiên. Trẻ vẫn có thể học với màn hình máy tính, nhưng cần có thời gian để có các hoạt động vui chơi giải trí ngoài trời. Với những trẻ đã cận thị, việc học thường xuyên trên máy tính có thể gây mỏi mắt, nhức đầu, khô mắt.
Để phòng chống việc học trực tuyến có thể ảnh hưởng đến thị lực của trẻ, PGS Hải Yến khuyên các bậc phụ huynh nên sắp xếp để các con có đủ thời gian giải trí với ánh sáng thiên nhiên, tối thiểu 2 tiếng đồng hồ một ngày.
Ngoài ra, các bậc phụ huynh cần nhắc nhở các con ngồi học đúng khoảng cách và tư thế. Cụ thể, mắt cách màn hình vi tính tối thiểu 50cm, màn hình thấp hơn tầm nhìn của mắt 10 – 12cm, đèn chiếu trong phòng nên là bóng mờ để ánh sáng tỏa lan giảm hiện tượng hắt hoặc lóe sáng.
Nghỉ 15 phút sau mỗi 2 giờ làm việc với màn hình hoặc mỗi 20 phút nhìn màn hình thì đưa mắt ra xa hoặc nhìn xuống 20 giây. Nên kiểm tra mắt thường xuyên và định kỳ hoặc khi trẻ có triệu chứng khác thường.
Vẹo cột sống tư thế, đau lưng, vai gáy…
TS Võ Quang Đình Nam – phó khoa chỉnh hình nhi Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM – cho biết trẻ có tư thế ngồi không đúng khi ngồi trước máy tính học trực tuyến kéo dài và liên tục có thể gây ra vẹo cột sống tư thế.
Theo TS Đình Nam, vẹo cột sống là một đường cong sang bên ở cột sống, lớn hơn 10 độ trên phim X-quang. Điều này không phải lúc nào cũng nhận biết được, nhưng các bậc phụ huynh có thể thấy một bên vai hay mông của con mình cao hơn bên kia, một bên xương vai gồ lên rõ, hoặc thân người và hông không đều.
Loại vẹo cột sống thường gặp nhất là vẹo cột sống tư thế với tần suất khoảng 10%, thường không quá 10 độ trên phim X-quang. Mặc dù vẹo cột sống tư thế không diễn tiến nặng lên cũng không gây mất thẩm mỹ nhưng là vấn đề gây hoang mang cho các bậc phụ huynh. Vẹo cột sống tư thế thường do tư thế ngồi không đúng như khi ngồi trước máy tính, chưa kể đau vai gáy, đau lưng do ngồi lâu.
Nếu trẻ mắc phải những triệu chứng do tư thế như vẹo cột sống, đau lưng thì nên điều chỉnh tốt tư thế cũng như sinh hoạt hằng ngày, hoạt động thể thao đều đặn thì những triệu chứng này cũng sẽ dần mất đi.
Hướng dẫn tư thế ngồi tốt
TS Đình Nam đưa ra một số hướng dẫn giúp phụ huynh sắp đặt bàn học để trẻ có tư thế ngồi tốt. Cụ thể, các bậc phụ huynh nên trang bị ghế máy tính với chiều cao, độ nghiêng và phần dưới cột sống có thể điều chỉnh được. Dạy trẻ ngồi với khuỷu tay vuông góc với bề mặt bàn và cổ tay thẳng, lưng giữ thẳng tựa phía sau, bàn chân bằng trên mặt đất và gối nhìn thẳng ra trước.
* Ngoài ra, mép trên của màn hình máy tính nên ngang tầm mắt để trẻ có thể đưa mắt lên xuống hơn là cúi ngửa cổ. Dùng bàn phím và chuột rời, và kê màn hình vừa tầm bằng chân đế.
* Nếu trẻ và người lớn dùng chung máy tính thì cần trang bị sao cho dễ điều chỉnh phù hợp với từng người.
* Điều quan trọng là trẻ đừng oằn người trong khi dùng máy tính; cần giải lao thường xuyên để tránh ngồi quá lâu ở một tư thế.
Tác giả VDI tổng hợp và tham khảo
Nguồn: https://tuoitre.vn/dung-quen-phoi-sang-cho-tre-hoc-truc-tuyen-20211223222439619.htm
Nhóm đội ngũ VietDucInfo biên soạn gồm nhiều biên tập, nhà báo có kinh nghiệm nhiều năm trong ngành.
Nội dung được kiểm duyệt bởi tác giả và nhóm hỗ trợ của VietDucInfo