VietDucInfo chia sẻ:
VDI – Đã có 9 bệnh nhân phải vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam từ ngày 31-5 đến nay do say nắng, say nóng, trong đó 1 trường hợp tử vong trước khi đến bệnh viện.
Bác sĩ Đinh Ngọc Tuấn – phó trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam – cho biết từ ngày 31-5 đến nay, khoa đã tiếp nhận 9 bệnh nhân vào viện do say nắng, say nóng. 3 người trong số này rất nặng, 1 người đã tử vong ngoại viện.
Bệnh nhân tử vong chuyển từ huyện Lý Nhân lên, 56 tuổi, không có tiền sử gì đặc biệt. Ngày 2-6 khi được chuyển đến bệnh viện, bệnh nhân đã tử vong ngoại viện, đo thân nhiệt cho thấy nhiệt độ cơ thể vẫn lên đến 42,2 độ C, nghi đột quỵ do sốc nhiệt.
Đây là lần đầu tiên bệnh viện ghi nhận một trường hợp tử vong do say nắng say nóng, ngoài ra còn 2 trường hợp khác nhập viện trong tình trạng nặng và rất nặng.
Bệnh nhân L.M.H., 45 tuổi, làm nghề thu gom rác, khi vào viện đã sốc nhiệt, co giật, sốt 41,5 độ, hôn mê, hôm nay là ngày thứ 3 điều trị vẫn đang thở máy, ý thức có cải thiện hơn, lâm sàng có tốt hơn nhưng vẫn ở trong tình trạng rất nặng, phải điều trị tích cực.
Một bệnh nhân nữa là T.V.B., 38 tuổi, đang làm việc ngoài đồng thì co giật, vào viện trong tình trạng co giật, sốt 41 độ, đến nay đã tỉnh táo, ăn uống được nhưng xét nghiệm còn suy thận, men gan tăng cao.
Bác sĩ Tuấn khuyến cáo những ngày này, người lớn tuổi không nên ra ngoài nắng nóng trong thời gian dài, thanh niên, người lao động không nên làm việc quá gắng sức, làm việc 1 tiếng nên nghỉ 15 phút, khi nào hoa mắt chóng mặt phải nghỉ ngay.
Bác sĩ Nguyễn Văn Chi – phụ trách Trung tâm cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai – cho biết trong những ngày nắng nóng, nhiều người vẫn phải làm việc ngoài trời như nông dân, công nhân xây dựng, những người phải đi lại trên đường.
Nếu phải ở lâu ngoài trời, cố gắng tránh thời điểm từ 11h trưa đến 15h chiều, thời điểm cường độ nắng nóng cao nhất. Đồng thời có các biện pháp bảo vệ cơ thể như mặc quần áo bảo hộ lao động chống nắng, làm thông thoáng, che chắn cơ thể khi làm việc ngoài trời.
Đặc biệt cần lưu ý uống đủ nước để phòng mất nước. Nếu phải đi trên đường cần đội mũ nón, che ô, mặc đồ chống nắng.
Người lao động ngoài trời ngoài việc có đầy đủ phương tiện dụng cụ chống nắng thì cứ sau 1 khoảng thời gian phải vào chỗ mát tạm nghỉ 10-15 phút để cơ thể hạ nhiệt và bổ sung thêm nước cho cơ thể.
Trung bình một người nên uống 2,5 – 3 lít nước/ngày trong những ngày nắng nóng.
Nguồn: Bộ Y tế – Đồ họa: NGỌC THÀNH
Tác giả VDI tổng hợp và tham khảo
Nhóm đội ngũ VietDucInfo biên soạn gồm nhiều biên tập, nhà báo có kinh nghiệm nhiều năm trong ngành.
Nội dung được kiểm duyệt bởi tác giả và nhóm hỗ trợ của VietDucInfo