Quan hệ Đức – Việt Nam
Việt Nam (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) và Cộng hòa Liên bang Đức (BRD) đã lập quan hệ ngoại giao vào ngày 23/9/1975. Trước đó, Việt Nam đã lập quan hệ ngoại giao và có quan hệ tốt đẹp với Cộng hòa Dân chủ Đức (DDR) vào ngày 03/02/1955 đến khi DDR từ bỏ chủ nghĩa Cộng sản nhập vào nước BRD thành nước Đức hiện thời. Tính đến tháng 10/2016, ở Đức có khoảng 130.000 người Việt Nam và người Đức gốc Việt sinh sống, trong đó 20% đã nhập quốc tịch Đức, ở Việt Nam có khoảng 100.000 người biết nói tiếng Đức.
Quan hệ ngoại giao
Việt Nam và CHLB Đức đã ký Hiệp định hợp tác Văn hóa (1990), Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư (1993), Hiệp định hợp tác hàng không (1994), Hiệp định hợp tác hàng hải (1995), Hiệp định nhận công dân trở lại (1995), Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần (1996), Hiệp định Hợp tác Khoa học-Kỹ thuật (1999). Tháng 10/2011, nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Angela Merkel, hai nước ký Tuyên bố Hà Nội về thiết lập “quan hệ đối tác chiến lược vì tương lai“.[1][3] Đức không chỉ giúp đỡ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi kinh tế mà còn hỗ trợ Việt Nam trong quá trình cải cách hệ thống pháp luật trong khuôn khổ Đối thoại nhà nước pháp quyền Đức-Việt.
Hợp tác kinh tế
Thương mại
Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu, chiếm khoảng 20% xuất khẩu của Việt Nam sang EU và cũng là cửa ngõ trung chuyển quan trọng của hàng hoá Việt Nam sang các thị trường khác ở châu Âu. Năm 2011, tổng giá trị trao đổi thương mại hai nước đạt 5,564 tỷ USD, tăng 35,2% so với năm 2010, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Đức đạt 3,366 tỷ USD, tăng 41,9 % và nhập khẩu của Việt Nam từ Đức đạt 2,198 tỷ USD, tăng 26,2 %. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2015 đạt 8,92 tỷ USD (tăng 14% so với 2014), trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Đức đạt 5,71 tỷ USD, nhập khẩu từ Đức đạt 3,21 tỷ USD. Kim ngạch thương mại hai chiều 9 tháng đầu năm 2016 đạt 6,4 tỷ USD. Việt Nam xuất khẩu sang Đức chủ yếu là điện thoại và linh kiện máy tính, hàng dệt may, giày dép, cà phê, thủy sản… và nhập từ Đức chủ yếu là máy móc thiết bị phụ tùng, phương tiện vận tải, ô tô, hóa chất, dược phẩm.[1]Tháng 10 năm 2011, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã ký “Tuyên bố Hà Nội”, thiết lập Quan hệ đối tác chiến lược giữa Đức và Việt Nam nhằm tăng cường quan hệ chính trị, kinh tế và văn hóa và hợp tác phát triển.
Du lịch
Đức được đánh giá là một trong những thị trường quan trọng nhất của du lịch Việt Nam với số lượng khoảng trên dưới 100.000 lượt khách/năm thăm Việt Nam trong những năm gần đây. Năm 2015, con số này đạt 149.079 lượt khách.[1]
Giáo dục
Đại học Việt-Đức được khai trương tại Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 9 năm 2008
Y tế
Bệnh viện Việt Đức đã được thành lâp từ năm 1958
Căng thẳng ngoại giao 2017
Liên quan đến quan hệ giữa Việt Nam và Đức, ngày 30/7/2017, Chính phủ Việt Nam thông báo rằng Trịnh Xuân Thanh (là người đang bị chính phủ Việt Nam cáo buộc tội tham nhũng trong việc làm thất thoát 150 triệu USD) đã về đầu thú các cơ quan bảo vệ pháp luật của Việt Nam. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Đức lại cáo buộc chính phủ VN đã bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại thủ đô Berlin mặc dù chính phủ Đức không có một bằng chứng nào rõ ràng, trong khi phía chính phủ Việt Nam đã đưa ra một clip có ghi lại hình ảnh ông Trịnh Xuân Thanh nói tự nguyện về nước để đầu thú. Bộ Ngoại giao Đức vào ngày 2 tháng 8 năm 2017 ra thông cáo cho biết sau khi có bằng chứng rõ rệt hơn và đủ căn cứ không còn nghi ngờ gì về việc các cơ quan và đại sứ quán Việt Nam tại Berlin có dính líu đến vụ bắt cóc công dân Việt Nam ngay tại thủ đô nước Đức, phía ngoại giao nước sở tại triệu đại sứ Việt Nam đến vào ngày 1 tháng 8. Quốc vụ Khanh Văn phòng Bộ Ngoại giao Đức Markus Ederer nêu rất rõ ràng với Đại sứ Việt Nam, Chính phủ Liên bang Đức đòi phải để ông Trịnh Xuân Thanh quay trở lại Đức ngay lập tức để hồ sơ yêu cầu dẫn độ và đơn xin tỵ nạn được xem xét theo đúng trình tự pháp lý.
Viên chức đại diện chính thức của cơ quan tình báo Việt Nam tại Đại sứ quán Việt Nam ở Đức bị tuyên bố là người không được hoan nghênh (persona non grata) và có 48 tiếng để rời khỏi Đức.[4][5]
Trả lời về việc này, ngày 3 tháng 8 Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói: “Liên quan đến phát biểu của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức xung quanh vụ việc Trịnh Xuân Thanh, tôi lấy làm tiếc về phát biểu của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức ngày 2-8″. Bà Hằng cũng khẳng định “Việt Nam luôn coi trọng và phát triển quan hệ đối tác chiến lược với Đức”.[6]
Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel hôm thứ Sáu 4/8, trong một cuộc họp báo, tuyên bố Đức đang cân nhắc các biện pháp trả đũa Việt Nam vì cáo buộc Hà Nội bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh ngay tại Berlin.[7][8][9]
Ngày 22.9 trong cuộc họp báo Liên bang về vụ Trịnh Xuân Thanh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đức cho biết, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh của Việt Nam đã gửi một bức thư hồi đáp cho Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đức Sigmar Gabriel để giải thích về vụ việc Trịnh Xuân Thanh. Do phía Việt Nam không thừa nhận việc vi phạm pháp luật, phía Đức đã mời Đại sứ Việt Nam tại Đức tới Bộ Ngoại giao để thông báo về việc đình chỉ đối tác chiến lược trong ngày 21.9. Ngoài ra Bộ Ngoại giao Đức đã ra lệnh trục xuất một cán bộ ngoại giao của Việt Nam ở Berlin, với thời hạn 4 tuần để thu xếp rời khỏi nước Đức.
Đại sứ quán , lãnh sự quán
– Tại Việt Nam :
Hà Nội ( Đại sứ quán )
Thành phố Hồ Chí Minh ( Lãnh sự quán )
– Tại Đức :
- Berlin ( Đại sứ quán )
- Frankfurt ( Lãnh sự quán )
Nguồn tham khảo https://vi.wikipedia.org/wiki/Quan_h%E1%BB%87_%C4%90%E1%BB%A9c_%E2%80%93_Vi%E1%BB%87t_Nam
Nguồn tham khảo https://www.reuters.com/article/us-germany-vietnam-idUSKBN1AI1NB
Nhóm đội ngũ VietDucInfo biên soạn gồm nhiều biên tập, nhà báo có kinh nghiệm nhiều năm trong ngành.
Nội dung được kiểm duyệt bởi tác giả và nhóm hỗ trợ của VietDucInfo