Spiramycin - kháng sinh nhóm macrolid
Spiramycin - kháng sinh nhóm macrolid

Thuốc Spiramycin là kháng sinh dùng được trong những trường hợp nhiễm khuẩn ở đường hô hấp, da và sinh dục… Vậy Spiramycin là thuốc kháng sinh thuộc nhóm nào? Công dụng thuốc ra sao? Mời bạn đọc hãy cùng tìm hiểu những thông tin về thuốc thông qua bài viết sau.

Thuốc spiramycin là gì?

  • Spiramycin là kháng sinh nhóm macrolid có phổ kháng khuẩn tương tự erythromycin. Thuốc có tác dụng kìm khuẩn trên vi khuẩn đang phân chia tế bào. Cơ chế tác dụng của thuốc là ngăn vi khuẩn tổng hợp protein. Ở các nồng độ trong huyết thanh, thuốc có tác dụng chủ yếu kìm khuẩn, nhưng khi đạt nồng độ cao, thuốc có thể diệt khuẩn chậm đối với vi khuẩn nhạy cảm nhiều.
  • Ở những nơi có mức kháng thuốc thấp, spiramycin có tác dụng kháng các chủng Gram dương. Bao gồm các chủng Coccus như Staphylococcus, Pneumococcus, Meningococcus, phần lớn chủng Gonococcus, Streptococcus và Enterococcus, các chủng Bordetella pertussis, Corynebacteria, Chlamydia, Actinomyces, một số chủng Mycoplasma và Toxoplasma (như Toxoplasma gondii). Spiramycin không có tác dụng với vi khuẩn đường ruột Gram âm. Đã có đề kháng với spiramycin, trong đó có kháng chéo giữa spiramycin, erythromycin và oleandomycin.

Dạng bào chế

  • Tiêm tĩnh mạch
  • Viên nén uống
  • Thuốc đạn (đặt trực tràng)

Công dụng

  • Spiramycin được chỉ định để điều trị nhiều bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn như: viêm họng, viêm xoang cấp, bội nhiễm viêm phế quản cấp, viêm phổi, nhiễm trùng miệng, nhiễm trùng sinh dục, nhiễm trùng da lành tính (chốc lở, chốc loét), phòng ngừa viêm màng não,… Trong đó, Spiramycin thường được dùng để điều trị bệnh nhiễm ký sinh trùng Toxoplasma ở phụ nữ mang thai vì thuốc này giúp giảm khả năng bị nhiễm trùng ở thai nhi.
  • Thuốc này có thể được sử dụng để điều trị các vấn đề khác theo chỉ định của bác sĩ, tuy nhiên nó không có tác dụng với bệnh cảm lạnh, cúm hoặc nhiễm virus khác.

Cách sử dụng

  • Sử dụng Spiramycin tốt nhất là khi bụng đói. Và nó hoạt động tốt nhất khi có một lượng không đổi trong máu. Để giúp giữ một lượng không đổi này, người bệnh đừng bỏ lỡ bất kỳ liều nào.
  • Để loại bỏ nhiễm trùng hoàn toàn, người bệnh nên tiếp tục dùng thuốc theo đúng thời gian điều trị được chỉ định. Ngay cả khi những triệu chứng nhiễm trùng đã dần khỏi thì bạn cũng không nên ngừng sử dụng thuốc, điều này có thể khiến tái nhiễm trùng.

Liều dùng

Liều dùng và dạng thuốc còn tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe cần điều trị. Để xác định được chính xác, người bệnh nên thăm khám với bác sĩ để được chỉ định cụ thể.

Dưới đây là liều lượng trung bình, chỉ mang tính chất tham khảo.

Đối với dạng viên nang/viên nén uống:

  • Người lớn và thanh thiếu nên: từ 1-2g uống 2 lần/ngày hoặc 500mg đến 1g uống 3 lần/ngày. Đối với nhiễm trùng nặng, liều dùng từ 2-2.5g uống 2 lần/ngày.
  • Trẻ em nặng từ 20kg: liều lượng dựa trên trọng lượng cơ thể. Liều thông thường là 25mg/kg uống 2 lần/mỗi ngày hoặc 17mg/kg uống 3 lần/ngày.

Đối với dạng thuốc tiêm:

  • Người lớn và thanh thiếu niên: 500mg tiêm chậm vào tĩnh mạch mỗi 8 giờ một lần. Với nhiễm trùng nặng, liều dùng là 1g tiêm từ từ vào tĩnh mạch sau mỗi 8 giờ.
  • Trẻ em: sử dụng liều lượng theo chỉ định của bác sĩ.

Đối với dạng thuốc đạn đặt trực tràng

  • Người lớn và trẻ em từ 12 tuổi trở lên: 2-3 viên đạn 750mg mỗi ngày.
  • Trẻ em dưới 12 tuổi: 2-3 viên đạn 500mg mỗi ngày.
  • Trẻ sơ sinh: liều lượng dựa trên trọng lượng cơ thể. Liều thông thường là 1 viên thuốc 250mg/5kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày một lần.

Xử trí khi quá liều spiramycin

  • Chưa biết liều gây độc của spiramycin.
  • Khi dùng liều cao, có thể gây các rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, nôn, tiêu chảy. Có thể gặp khoảng QT kéo dài và sẽ hết dần khi ngừng điều trị (đã gặp ở trẻ sơ sinh dùng liều cao hoặc ở người lớn tiêm tĩnh mạch có nguy cơ kéo dài khoảng QT).
  • Xử trí: trong trường hợp quá liều, nên làm điện tâm đồ để đo khoảng QT, nhất là khi có kèm theo các nguy cơ khác (giảm kali huyết, khoảng QTc kéo dài bẩm sinh, kết hợp dùng các thuốc kéo dài khoảng QT và/hoặc gây xoắn đỉnh). Không có thuốc giải độc cho spiramycin, chủ yếu là điều trị triệu chứng.

Trường hợp không nên dùng thuốc spiramycin

Không dùng thuốc spiramycin cho người có tiền sử quá mẫn với spiramycin hoặc với các kháng sinh khác nhóm macrolid, hoặc với bất cứ thành phần nào của thuốc.

Lưu ý khi dùng spiramycin

  • Vì thuốc spiramycin có thể gây độc cho gan, thận trọng khi dùng thuốc cho người có rối loạn chức năng gan.
  • Thận trọng cho người bị bệnh tim, loạn nhịp tim, bao gồm cả người có khuynh hướng kéo dài khoảng QT.
  • Khi bắt đầu điều trị nếu thấy phát hồng ban toàn thân có sốt, phải ngừng thuốc vì có thể bị bệnh mụn mủ ngoại ban cấp. Trường hợp này phải chống chỉ định, không được dùng lại spiramycin.

Tác dụng phụ của spiramycin

Spiramycin hiếm khi gây tác dụng không mong muốn nghiêm trọng.

Thường gặp:

  • Tiêu hóa: Buồn nôn, nôn, tiêu chảy, khó tiêu, các tác dụng này thường gặp khi dùng đường uống.
  • Tại chỗ: Kích ứng tại chỗ tiêm.
  • Thần kinh: Chóng mặt, đau đầu.

Ít gặp:

  • Toàn thân: Mệt mỏi, chảy máu cam, đổ mồ hôi, cảm giác đè ép ngực.
  • Tiêu hóa: Viêm kết tràng cấp.
  • Dị cảm tạm thời, loạn cảm, lảo đảo, đau, cứng cơ và khớp nối, cảm giác nóng rát, nóng đỏ bừng (khi tiêm tĩnh mạch).
  • Da: Ban da, ngoại ban, mày đay.

Hiếm gặp:

  • Toàn thân: Phản ứng phản vệ, bội nhiễm do dùng dài ngày thuốc spiramycin đường uống.
  • Tim: Kéo dài khoảng QT.

Tương tác thuốc khi dùng spiramycin

  • Dùng spiramycin đồng thời với thuốc uống ngừa thai sẽ làm mất tác dụng phòng ngừa thụ thai.
  • Spiramycin làm giảm nồng độ của levodopa trong máu khi dùng đồng thời.
  • Spiramycin ít hoặc không ảnh hưởng đến hệ enzym Cytochrom P450 ở gan. Vì vậy, so với erythromycin, spiramycin ít có tương tác hơn với các thuốc được chuyển hóa bởi hệ enzym này.

Phụ nữ có thai và cho con bú

Thời kỳ mang thai

Spiramycin đi qua nhau thai, nhưng nồng độ thuốc trong máu thai nhi thấp hơn trong máu người mẹ. Mặc dù chưa có các bằng chứng về ngộ độc thai và quái thai, không dùng spiramycin cho người mang thai trừ khi không còn liệu pháp thay thế, và phải theo dõi thật cẩn thận.

Thời kỳ cho con bú

Spiramycin bài tiết qua sữa mẹ với nồng độ cao. Phải dùng thuốc thận trọng cho phụ nữ cho con bú và nên ngừng cho con bú khi đang dùng thuốc.

Cách bảo quản thuốc

  • Dạng thuốc viên: bảo quản ở nhiệt độ dưới 30°C, tránh ánh sáng và giữ trong lọ kín.
  • Dạng lọ thuốc bột pha tiêm: bảo quản ở nhiệt độ 15 – 30oC. Chỉ dùng dung dịch đã pha trong vòng 12 giờ. Không dùng dung dịch đã biến màu hoặc có vẩn đục.

Xem thêm tại NhathuocLP: https://nhathuoclp.com/thuoc-naphacogyl-100-125-spiramycin-metronidazol/

5/5 - (1 bình chọn)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here