VietDucInfo chia sẻ:
VDI – Nam thanh niên 25 tuổi ở Phú Thọ rơi vào tình trạng sốc phản vệ nặng, phù nề toàn bộ gương mặt, hai mắt, mắt không thể mở, tức ngực… sau khi thái 1 củ hành chuẩn bị bữa tối.
Nam thanh niên bị sưng vù mắt, mặt sau khi thái 1 củ hành nhỏ – Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, Phú Thọ. Các bác sĩ cho biết đây là trường hợp sốc phản vệ nặng và đã cấp cứu theo phác đồ chống sốc phản vệ. Sau khi tiêm adrenaline đường bắp (thuốc chống sốc), bệnh nhân có dấu hiệu giảm khó thở nhưng hai mắt, mặt vẫn sưng nề.
Sau 20 phút được tiêm, tình trạng bệnh nhân ổn hơn và được chuyển về khoa hồi sức cấp cứu bệnh viện.
Trung tâm cấp cứu 115 Hùng Vương cho rằng sốc phản vệ có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, và hậu quả rất nguy hiểm nếu không được cấp cứu kịp thời.
Các bác sĩ khuyến cáo khi cơ thể tiếp xúc với các dị nguyên (chất có thể gây ra phản ứng dị ứng) như bị ong đốt, kiến đốt, tiêm, ăn uống tiếp xúc với các loại thực phẩm (kể cả thực phẩm khá quen thuộc như nhộng tằm, đậu phộng, trứng, hay hành củ như thanh niên kể trên…) và xuất hiện tình trạng lạ, cần đến ngay cơ sở y tế.
Bộ Y tế cũng đã có hướng dẫn phòng, chẩn đoán và xử trí sốc phản vệ. Đây là loại phản ứng khá thường gặp và có thể chuyển nặng, thậm chí tử vong nhanh chóng.
Để dự phòng sốc phản vệ tại cơ sở y tế, Bộ Y tế hướng dẫn các bác sĩ, nhân viên y tế đảm bảo nguyên tắc: chỉ định đường dùng thuốc phù hợp nhất, chỉ tiêm khi không sử dụng được đường dùng khác; không được kê đơn thuốc, chỉ định dùng thuốc hoặc dị nguyên đã biết rõ gây phản ứng cho người bệnh.
Tác giả VDI tổng hợp và tham khảo
Nhóm đội ngũ VietDucInfo biên soạn gồm nhiều biên tập, nhà báo có kinh nghiệm nhiều năm trong ngành.
Nội dung được kiểm duyệt bởi tác giả và nhóm hỗ trợ của VietDucInfo