Trị dứt điểm rối loạn thần kinh thực vật được không? - Ảnh 1.

VietDucInfo chia sẻ:

VDI – Rối loạn thần kinh thực vật gây ảnh hưởng đến hầu hết cơ quan nhưng rất dễ khiến chúng ta lầm tưởng với triệu chứng của các bệnh lý khác, dẫn đến việc chẩn đoán và điều trị bệnh gặp nhiều khó khăn.

Trị dứt điểm rối loạn thần kinh thực vật được không? - Ảnh 1.

Đái tháo đường cũng là một trong các nguyên nhân gây rối loạn thần kinh thực vật – Ảnh: T.D.V.

Để bạn đọc có những thông tin hữu ích về chứng bệnh rối loạn thần kinh thực vật cũng như việc điều trị bệnh, Tuổi Trẻ Online đã có cuộc trò chuyện với BS CKII Nguyễn Thị Phương Nga – trưởng khoa nội tim mạch, Bệnh viện Thống Nhất – một trong những bác sĩ có chuyên môn cao trong việc chữa trị và tư vấn về căn bệnh này.

Dễ nhầm lẫn với bệnh thông thường

* Thưa bác sĩ, thời gian gần đây rối loạn thần kinh thực vật được nhắc đến thường xuyên hơn, vậy đây là bệnh gì và nguyên nhân do đâu?

– Hệ thần kinh tự chủ bao gồm hệ thần kinh giao cảm, phó giao cảm phân bố đến toàn bộ sợi trục thần kinh và đến tất cả các hệ cơ quan. Chúng có hoạt động đối lập nhưng cân bằng với nhau giúp điều hòa hoạt động hệ tim mạch bao gồm huyết áp, nhịp tim, hoạt động hệ tiêu hóa, niệu dục, hệ thần kinh, điều hòa tiết mồ hôi, cơ vòng, thân nhiệt.

Rối loạn thần kinh thực vật (Neurovegetative disorders) hay rối loạn hệ thần kinh tự chủ (Autonomic neuvous system disorders) là sự tổn thương hệ thần kinh giao cảm hoặc phó giao cảm dẫn đến mất cân bằng hoạt động giữa hai hệ thống này. Hệ thần kinh thực vật hoạt động tự động, do đó chúng ta chỉ nhận ra tầm quan trọng của nó khi chức năng của nó bị tổn thương, dẫn đến rối loạn hoạt động nhiều cơ quan.

Có rất nhiều tình trạng bệnh lý có thể gây ra rối loạn thần kinh thực vật, thường gặp nhất là đái tháo đường (đặc biệt đái tháo đường kiểm soát kém), bệnh Parkinson. Các nguyên nhân khác bao gồm bệnh thoái hóa thần kinh (teo đa hệ thống…); bệnh rối loạn miễn dịch (bệnh tự miễn như Lupus ban đỏ, viêm đa khớp dạng thấp…); bệnh nhiễm amyloid hệ thần kinh; ung thư; tăng ure huyết; thiếu dinh dưỡng; thuốc (hóa trị ung thư); nhiễm virus hay vi trùng (HIV, bệnh Lyme…); di truyền; tuổi già…

* Xin bác sĩ cho biết các triệu chứng thường gặp của căn bệnh này là gì?

– Triệu chứng của bệnh rất đa dạng vì bệnh có thể ảnh hưởng rất nhiều hệ cơ quan trong cơ thể. Triệu chứng có thể nói là vay mượn của mọi cơ quan trong cơ thể, do đó thường làm người bệnh nghĩ đến một bệnh thực thể của cơ quan đó mà bỏ qua nguyên nhân tổn thương thần kinh thực vật.

Các triệu chứng thường gặp của bệnh:

– Choáng váng, xây xẩm, triệu chứng thường xảy ra khi đứng hoặc thay đổi tư thế từ nằm hay ngồi sang đứng, do nhịp tim quá nhanh khiến cho thiếu máu lên não hoặc hạ huyết áp tư thế đột ngột.

– Rối loạn giấc ngủ: mất ngủ, ngủ ngày quá nhiều, rối loạn nhịp thức – ngủ…

– Rối loạn khí sắc, suy nhược, lo âu, trầm cảm, rối loạn tính tình, rối loạn tác phong…

– Triệu chứng tiết niệu: tiểu khó, bí tiểu, giảm cảm giác buồn tiểu, nước tiểu tồn dư trong bàng quang sau khi đi tiểu… gây biến chứng nhiễm trùng tiểu.

– Rối loạn tiêu hóa: đầy bụng, khó tiêu, chán ăn, tiêu chảy, táo bón, sôi bụng, nôn ói, khó nuốt, ợ nóng… tất cả đều do rối loạn chức năng tiêu hóa.

– Phản xạ đồng tử giảm làm mắt khó điều tiết khi đi từ vùng sáng vào vùng tối và khó nhìn rõ trong đêm.

– Đánh trống ngực, hồi hộp: Nhịp tim nhanh bất thường, cảm giác như tim sắp nhảy ra khỏi lồng ngực. Cảm giác luôn hồi hộp, tình trạng này xảy ra liên tục dễ khiến người bệnh cảm thấy hốt hoảng và sợ hãi. 

– Không thể vận động mạnh: Cơ thể không có khả năng thay đổi nhịp tim khi tập thể dục hoặc không thể vận động gắng sức.

Điều trị từng nguyên nhân gây bệnh

* Với nhiều triệu chứng bệnh như vậy, theo bác sĩ, liệu căn bệnh này có chữa trị dứt điểm được không?

– Rối loạn thần kinh thực vật không phải là một loại bệnh cụ thể mà chỉ là những rối loạn hoạt động thần kinh tự động do nhiều nguyên nhân khác nhau. Bệnh thường không gây tử vong nhưng làm giảm hoạt động hoặc ảnh hưởng đến chức năng tự động của cơ thể như: nhịp tim, huyết áp, mồ hôi, tiêu hóa… từ đó ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Việc điều trị rối loạn thần kinh thực vật bao gồm điều trị các nguyên nhân gây ra bệnh (ví dụ kiểm soát tốt đường huyết ở người bệnh đái tháo đường, dùng thuốc hợp lý ở người bệnh Parkinson…) và điều trị triệu chứng. Tuy nhiên, có đến 50% trường hợp rối loạn thần kinh thực vật không tìm được nguyên nhân.

Do đó các trường hợp này chúng ta chỉ điều trị được các triệu chứng của bệnh. Điều trị dựa vào cơ quan nào bị ảnh hưởng bởi tổn thương thần kinh thực vật. Ví dụ nếu hệ tiêu hóa bị ảnh hưởng chúng ta có thể dùng các thuốc điều chỉnh nhu động ruột.

Điều trị tâm lý phải cân nhắc các loại thuốc khác nhau: thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần nhẹ, thuốc điều chỉnh thần kinh thực vật… Có thể kết hợp phục hồi chức năng với các phương thức vật lý, thể dục. 

Đặc biệt, cần chú ý đến trị liệu y học cổ truyền như châm cứu, xông hơi thuốc trên huyệt, xoa bóp, bấm huyệt cũng giúp cho việc điều trị bệnh nhanh khỏi hơn. Trong mọi trường hợp luôn kết hợp liệu pháp tâm lý và hòa nhập xã hội.

* Chúng ta có thể chủ động phòng ngừa được không, nếu có thì phòng ngừa bằng những phương pháp nào, thưa bác sĩ?

– Ở người có nguy cơ rối loạn thần kinh thực vật như người bệnh đái tháo đường, bệnh Parkinson, suy giáp, ung thư, di truyền… chúng ta có thể phòng ngừa hoặc làm chậm khởi phát và diễn tiến của các triệu chứng bằng cách chăm sóc tốt sức khỏe chung và kiểm soát tốt các bệnh lý hiện có.

Nên tham vấn bác sĩ để được tư vấn lối sống khỏe mạnh và kiểm soát bệnh hiện mắc. Ví dụ: kiểm soát tốt đường huyết ở người đái tháo đường, không lạm dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, thuốc lào…  Phòng ngừa và kiểm soát tốt tình trạng tăng huyết áp, duy trì cân nặng lý tưởng, luyện tập thể dục thường xuyên, kiểm soát stress, nghỉ ngơi thư giãn hợp lý.

* Cảm ơn bác sĩ!

Làm gì khi bị rối loạn thần kinh thực vật?

* Tôi năm nay 30 tuổi. Khoảng 1 năm nay tôi bị tình trạng khó thở, tim đập nhanh, kèm theo hoa mắt, nóng ran mặt và tê xung quanh miệng. Tình trạng kéo dài khoảng vài phút, sau đó tôi cố gắng hít thở, uống nước, nhịp tim trở lại bình thường và tái lại sau một thời gian khoảng 5 ngày hoặc 1 tháng.

Tôi có đi kiểm tra nhịp tim, tuyến giáp nhưng đều bình thường và được chẩn đoán là rối loạn thần kinh thực vật. Bác sĩ cho tôi hỏi bệnh rối loạn thần kinh thực vật có điều trị dứt điểm được không? (Bạn đọc Tường Vi, TP.HCM)

BS CKII Nguyễn Thị Phương Nga: Việc điều trị rối loạn thần kinh thực vật bao gồm điều trị các nguyên nhân gây ra bệnh. Tuy nhiên, cho đến nay mới chỉ điều trị được các triệu chứng của bệnh. Nếu đã đến gặp bác sĩ để kiểm tra và thăm khám thì bệnh nhân cứ thực hiện điều trị theo chỉ định. Tuyệt đối không nên tự ý sử dụng các loại thuốc điều trị khi chưa có hướng dẫn.

Ngoài ra, mỗi người cần có suy nghĩ tích cực, duy trì thể dục và có lối sống lành mạnh. Kiểm soát stress, sắp xếp lịch làm việc và nghỉ ngơi hợp lý.

Tìm kiếm và chấp nhận sự giúp đỡ từ bạn bè và gia đình. Được ủng hộ và giúp đỡ và có suy nghĩ tích cực sẽ giúp bạn thích nghi và chịu đựng được các thách thức trở ngại.

Tác giả VDI tổng hợp và tham khảo

Nguồn: https://tuoitre.vn/tri-dut-diem-roi-loan-than-kinh-thuc-vat-duoc-khong-20220407092921294.htm

Đánh giá 5*

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here